Môn bóng bàn là một môn thể thao đòi hỏi sự nhanh nhẹn từ cơ thể và đôi mắt cho đến sự dẻo dai từ đôi tay. Để chơi được môn này một cách hay nhất thì bạn cần lựa chọn được cho mình một cây vợt phù hợp với bản thân. Tuy nhiên, việc lựa chọn bóng bàn không phải là việc dễ dàng, vì vâỵ hãy tham khảo bài viết “Cách chọn vợt bóng bàn tốt nhất và phù hợp nhất” dưới đây nhé.
I. Cấu tạo của một cây vợt bóng bàn
Một cây vợt bóng bàn sẽ được tạo thành từ hai phần là : Phần cốt vợt và mặt vợt.

1. Phần cốt vợt bóng bàn
Phần cốt vợt bóng bàn là phần được làm chủ yếu bằng gỗ hoặc bằng các chất liệu tổng hợp khác ( ví dụ như cốt vợt làm từ carbon). Đây là phần quan trọng của cây vợt bóng bàn nên lúc lựa chọn vợt bóng bàn cần lưu ý đến bộ phận này của vợt.
Các yếu tố để đánh giá cốt vợt bóng bàn đó chính là độ nảy, độ bám, độ kiểm soát và khả năng tiếp xúc với bóng của cốt vợt.
2. Phần mặt vợt bóng bàn hay còn gọi là mút vợt
Phần mặt vợt bóng bàn sẽ là phần được dán một lớp mút gai thuận hoặc ngược tùy vào sở thích và sở trường kỹ chiến thuật của mỗi người chơi bóng bàn khác nhau. Kích thước, hình dáng và trọng lượng của vợt bóng bàn không hạn chế.
Hiện nay có 2 loại vợt bóng bàn cơ bản là vợt dọc và vợt ngang. Vợt mút gai thuận (gai quay ra ngoài) có đặc điểm là tính đàn hồi tốt, tốc độ đánh bóng nhanh và chắc chắn thích hợp cho những người có lối đánh tấn công nhanh gần bàn. Còn loại vợt mút gai vào trong (gai ngược) thích hợp cho những người chơi líp bóng đường cong và cắt bóng vì loại vợt này có đặc điểm tạo độ xoáy rất cao khi đánh bóng.
3. Các thông số trên vợt có ý nghĩa gì?
Trên mỗi mặt vợt bóng bàn sẽ ghi và biểu thị những thông số như: DEF, ALL-, ALL, ALL+, OFF-, OFF, OFF+, những thông số này nhằm để mô tả tốc độ tiếp xúc từ chậm nhất (DEF) đến (OFF+) là nhanh nhất. Có thể dựa vào những thông số này để chọn ra loại vợt phù hợp nhất với bạn.
DEF = Offensive (Chỉ dành cho tấn công)
- DEF: Loại vợt này giúp người chơi kiểm soát bóng được một các chặt chẽ và thích hợp với người có lối phòng thủ xa bàn.
ALL = Allround (Toàn diện, tấn công và thủ đều tốt)
- ALL-: Thích hợp với người có lối đánh thiên về phòng thủ, gò bóng.
- ALL: Loại vợt này khá dễ sử dụng vì phù hợp với nhiều phong cách chơi bóng khác nhau. Phù hợp nhất là với người có lối chơi toàn diện.
- ALL+: Người có thế mạnh đánh bóng thuận tay và kiểm soát tốt độ xoáy tốt thì nên sử dụng loại vợt này. Nó rất thích hợp với người chơi có lối đánh chặn, đẩy tốt.
DEF = Defend (Chỉ dành cho phòng thủ)
- OFF-: Đây là lại vợt dành cho người chơi có lối đánh phòng ngự phản công ở cự ly trung bình.
- OFF: Người có lối đánh thiên về tấn công thì nên lựa chọn loại vợt này.
- OFF+: Loại vợt này cốt vợt bóng bàn sẽ khá khó cốt vợt cứng nên rất khó kiểm soát, nó sẽ phù hợp nhất với người lấy tấn công làm chủ đạo.
Cốt vợt bóng bàn OFF là cứng nhất, ALL là loại cốt vợt mềm hơn và DEF là mềm nhất.
Khi mới bắt đầu tập chơi thì literaryzone khuyên bạn nên sử dụng các loại vợt có tốc độ thấp, độ kiểm soát bóng cao để làm quen sau đấy mới nâng cao dần.

II. Lựa cốt vợt như nào cho phù hợp?
1. Các yếu tố nên lưu ý khi lựa chọn cốt vợt bóng bàn phù hợp
- Độ nảy: Khi độ nảy càng lớn thì càng cần có khả năng kiểm soát bóng tốt, phù hợp lối đánh tấn công nhanh và phản xoáy.
- Độ kiểm soát (từ dễ đến khó): Độ kiểm soát thường sẽ tỉ lệ nghịch với độ nảy. Tuy nhiên, một số công nghệ mới có thể tăng độ kiểm soát một cách tương đối mà không phải hy sinh độ nảy.
- Độ bám: Khi vợt có độ bám càng nhiều thì càng dễ tạo xoáy, phù hợp cho kỹ thuật đánh mút xoáy biến hóa tuy nhiên sẽ không phù hợp với phản xoáy.
- Độ cong của quỹ đạo bóng (cầu vòng ít hoặc nhiều): Quỹ đạo bóng cầu vòng nhiều thì cho phép lối chơi kỹ thuật giật bóng chậm dưới mặt bàn, quỹ đạo bóng phẳng hơn thì hỗ trợ lối chơi tấn công nhanh cận bàn.
- Cảm giác tiếp xúc bóng (từ cứng đến mềm): Với vợt mang cảm giác mềm hỗ trợ tốt kỹ thuật giật biến hóa xoáy, cảm giác cứng phù hợp cho kỹ thuật bạt/giật bạo lực và tốc độ.
2. Các chất liệu tạo thành cốt vợt
Khi lựa chọn cốt vợt thì điều cần thiết hơn nữa là lựa chọn chất liệu tạo thành nó. Và dưới đây là một số loại gỗ và vật liệu thông dụng hiện nay để làm ra cốt vợt:
- Gỗ Ayous: có trọng lượng nhẹ, chắc thịt, phù hợp lối đánh đôi công cận bàn rất xuất sắc.
- Gỗ Bass: phổ biến nhất vì giá thành thấp và có độ kiểm soát cao.
- Gỗ Cypress (còn gọi là Hinoki): là loại gỗ chế tạo vợt truyền thống cho các vận động viên Châu Á ưa chuộng kỹ thuật tấn công nhanh, cảm giác mềm, tốc độ khá cao.
- Gỗ Yellow Aningre: có độ kiểm soát rất tuyệt, cảm giác mềm, phù hợp với trường phái công thủ toàn diện (all-round).
- Gỗ Koto: thường dùng ở lớp ngoài cùng để tăng độ cứng và độ nảy.
- Gỗ Limba: cảm giác mềm, bám bóng và độ kiểm soát cao, là loại gỗ chế tạo vợt truyền thống cho những vận động viên Châu Âu ưa chuộng kỹ thuật giật bóng xa bàn.
- Gỗ Planchonello: thường dùng ở lớp ngoài, để tăng tốc độ bóng, hỗ trợ trường phái tấn công “bạo lực”.
- Chất liệu phụ gia Carbon: nhằm gia tăng tốc độ.
- Chất liệu phụ gia Arylate: nhằm mở rộng vùng hồng tâm chuẩn xác trên mặt vợt.
Cốt vợt có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là gỗ
III. Chọn vợt theo lối chơi, sở thích của bạn
1. Người chơi với nhu cầu giải trí
Với mục đích chỉ để giải trí cho khuây khỏa thì bạn không cần quá cầu kỳ trong việc lựa chọn, bạn có thể đơn giản lựa chọn một chiếc vợt đã dán sẵn.
2. Người có lối chơi tấn công
Nếu bạn có lối chơi thiên về tấn công thì loại vợt bạn sử dụng sẽ cần nhẹ và có tốc độ đánh bóng cao để tạo ra những pha bóng xoáy và áp đảo đối phương.
3. Người mang lối chơi phòng thủ
Bạn nên lựa chọn loại vợt bóng bàn nặng tay và có tốc độ thấp nếu bạn mới tập chơi bóng hoặc bạn ưu lối chơi phòng thủ, bởi vì loại vợt này mang lại cho bạn cảm giác kiểm soát bóng tốt hơn.
4. Lựa chọn vợt dọc hay ngang
Tùy vào sở thích cầm vợt mà bạn hãy cân nhắc giữa lựa chọn vợt bóng bàn dọc hoặc ngang và hơn hết là chọn vợt theo điều kiện kinh tế mà bạn dự định bỏ ra cho môn thể thao này.

IV. Chọn vợt phù hợp cho thi đấu chuyên nghiệp
Đối với những người lựa chọn vợt để thi đấu chuyên nghiệp thì cần phải cẩn thận và tỉ mỉ hơn rất nhiều. Thực tế thì với những người chơi chuyên nghiệp thì họ thường lựa chọn một cây vợt được dán từ mặt vợt riêng và cốt vợt riêng.
1. Chọn cốt vợt
Với những người chơi chuyên nghiệp sẽ lựa chọn vợt thông qua tham khảo các số liệu in trên mặt vợt, chất liệu cốt vợt hay các hãng vợt vì mỗi hãng sẽ có những ưu điểm riêng.
Nếu bạn có lối chơi phòng thủ chắc chắn thì nên chọn loại vợt có tốc độ chậm và độ điều khiển lớn, khối lượng và kích thước lớn. Ngược lại, nếu yêu thích lối chơi tấn công thì cốt vợt có tốc độ cao với những cú đánh nhanh, mạnh áp đảo, khối lượng nhẹ, kích thước nhỏ để tăng độ linh hoạt và phản ứng khi chơi là phù hợp hơn cả.
2. Chọn mặt vợt bóng bàn phù hợp
Điểm quan trọng thứ 2 sau cốt vợt đó là lựa chọn mặt vợt bóng bàn, mặt vợt được cấu tạo từ các loại mút khác nhau:
- Inverted: Mút trơn, có khả năng tạo xoáy cao. Đây là loại mút phổ biến nhất hiện nay, phù hợp với tất cả các lối chơi từ phòng thủ đến tấn công.
- Short pips: Mút gai ngắn, thực chất là loại mút trơn nhưng được lật ngược lại, tạo nên một bề mặt với rất nhiều nốt. Loại mút này ít tạo xoáy nhưng lại giúp người dùng có những cú đánh trả mạnh mẽ.
- Long pips: Mút gai dài. Mút có cấu trúc giống như “short pips” nhưng các nốt trên bề mặt cao hơn, giúp làm đảo chiều xoáy của trái bóng.
Ngoài những loại kể trên thì còn có một số loại mút khác như “no sponge” hoặc “anti-spin” ít phổ biến hơn.

V. Ba sai lầm khi chọn mua vợt mà mọi người dễ mắc phải
1. Sai lầm thứ nhất: Vợt càng đắt càng tốt?
Với ý nghĩ “tiền nào của nấy” nên lúc đi mua vợt rất nhiều người không hiểu mà cứ nghĩ rằng vợt càng đắt tiền thì chất lượng sẽ càng tốt. Nếu người bán hàng cũng tư vấn như vậy với bạn thì hãy nên suy nghĩ kĩ lại trước khi mua tại cửa hàng đấy.
Vợt tốt hay không còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng cốt vợt, mặt vợt, kích thước, độ nặng nhẹ của vợt,… Còn vợt đắt có thể là do nó gắn mác thương hiệu và các tiền công đoạn, tiền marketing bỏ ra lớn nên sẽ kéo theo giá thành cao nhưng chưa hẳn chất lượng đã là tốt hơn những vợt giá thành rẻ hơn.

2. Sai lầm thứ hai: Vợt càng nảy càng tốt?
Vợt càng nảy thì càng đòi hỏi bạn phải có sự cảm nhận bóng tốt. Vợt này sẽ chỉ phù hợp cho những ai có lối đánh tấn công áp đảo nhưng cũng phải cảm bóng và nhận diện bóng nhanh hơn.
Vì vậy, tốt nhất là bạn nên hiểu được chính mình, nắm được ưu điểm của mình để chọn được loại vợt có độ nảy phù hợp nhất với năng lực bản thân.
3. Sai lầm thứ ba: Thông số vợt càng cao càng tốt?
Mỗi nhà sản xuất vợt bóng bàn sẽ quy định về các quy chuẩn thông số khác nhau, vì vậy các thông số trên vợt bóng bàn cũng chỉ mang tính tương đối.
Nên khi chọn mua vợt bạn cần tham khảo thông số kỹ thuật giữa các hãng với nhau cũng như nắm được mình đang cần loại vợt như thế nào.
Tóm lại, vấn đề cốt lõi ở đây khi bạn lựa chọn vợt thì cần phải hiểu mục đích mua của mình là gì, thế mạnh của mình, lối chơi mà mình ưa thích hay đang hướng đến và còn nữa là phù hợp với kinh tế mà bạn định chi ra để đầu tư cho vợt bóng bàn mà bạn đang cần. Với những thông tin trên mong rằng bạn sẽ lựa chọn được cho mình loại vợt bóng bàn tốt nhất và phù hợp nhất.